Khái niệm Hậu_cần

Hậu cần là môn khoa học nghiên cứu tính quy luật của các hoạt động cung ứng và đảm bảo các yếu tố tổ chức, vật chất và kỹ thuật, để cho quá trình chính yếu được tiến hành đúng mục tiêu. Nó được coi như một nhánh của quá trình tạo ra một hệ thống liên quan đến nguồn lực con người hơn là một hệ thống về máy móc. Điều này chỉ rõ nguồn lực tập trung là con người với vai trò vừa là đối tượng, vừa là công cụ tác động, vừa là chủ thể của quá trình.

Hậu cần có thể được hiểu như là việc có được đúng số lượng cần thiết ở đúng thời điểm và với chi phí phù hợp. Nó là nghệ thuật, là một quá trình khoa học. Nó phối hợp tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, quản lý vòng đời dự án, chuỗi cung cấp và hiệu quả.

Trong kinh doanh

Trong kinh doanh, hậu cần có thể hiểu như việc tập trung cả nội lực lẫn ngoại lực bao hàm cả quá trình chu chuyển từ nhà "sản xuất gốc" đến "người tiêu dùng cuối cùng". Chức năng chính của hậu cần bao gồm việc quản lý việc mua bán, vận chuyển, lưu kho cùng với các hoạt động về tổ chức cũng như lập kế hoạch cho các hoạt động đó. Người quản lý hậu cần kết hợp kiến thức tổng hợp của mỗi chức năng từ đó phối hợp các nguồn lực trong tổ chức để vận hành. Có hai khác biệt cơ bản của hậu cần. Một thì đánh giá một cách lạc quan, đơn giản coi đó như là sự chu chuyển ổn định của nguyên liệu trong mạng lưới vận chuyển và lưu trữ. Một thì coi đó là một sự kết hợp các nguồn lực (nhân lực, vật lực...) để tiến hành quá trình.

Trong quá trình sản xuất

Thuật ngữ này ám chỉ quá trình hậu cần trong các ngành công nghiệp. Mục đích của nó là đảm bảo mỗi một máy móc thiết bị hay trạm làm việc được "nạp" đủ sản phẩm với đúng số lượng, chất lượng và đúng lúc. (JIT)

Hậu cần đầu vào (Inbound Logistics)

Quản lý dòng vật tư kỹ thuật, nguyên vật liệu sản xuất và các bộ phận cấu thành nên sản phẩm từ các nhà cung cấp khác nhau và qua nhiều công đoạn khác nhau. Chúng được di chuyển từ nơi cung cấp đến doanh nghiệp sản xuất dưới dạng thô hay sơ chế. Nhà sản xuất cần phải kiểm soát dòng dịch chuyển này, không chỉ đảm bảo cung cấp đầy đủ các yếu tố nhập lượng hữu hình cho quá trình sản xuất được tiến hành trôi chảy mà còn phải đảm bảo sử dụng vốn ít nhất và chi phí thấp nhất để tạo ra các xuất lượng (thành phẩm) với giá thành rẻ nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu khách hàng.

Ví dụ 1: Vận chuyển cà phê thô đến nhà máy đến thực hiện chế biến, rang xoay,..tạo nên cà phê thành phẩm trong nhà máy. Tuỳ thuộc vào thời gian sản xuất, nguyên vật liệu cà phê thô có thể được lưu trữ, bảo quản tại kho.

Ví dụ 2: Đưa các bộ phận của máy bay Airbus từ các nước châu Âu để lắp ráp tại nhà máy. Sao cho các bộ phận được đáp ứng theo nhu cầu: đúng thời gian, đúng số lượng và đảm chất lượng với chi phí tối ưu nhất.

Đây là các trường hợp thực tế thường gặp của hậu cần đầu vào.

Hậu cần đầu ra (Outbound Logistics)

Dòng hậu cần đầu ra liên quan đến việc dịch chuyển hàng hóa từ điểm cuối cùng của dây chuyền sản xuất đến khách hàng. Sự chu chuyển của hàng hóa thông qua các kênh phân phối (trực tiếp hoặc gián tiếp) đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt tại hậu cần đầu ra, xuất hiện các dịch vụ làm tăng giá trị sản phẩm (dịch vụ giá trị gia tăng VAS).

Cụ thể đó là các hoạt động: đóng gói, in dán nhãn mác, phân loại, kiểm kê,.. tại các nơi lưu trữ sản phẩm đã hoàn thành. Thông thường các hoạt động VAS được tổ chức tại kho hàng, trung tâm phân phối, cảng biển,.. (Nơi gần thị trường tiêu thụ hoặc cửa ngõ xuất khẩu).

Kết luận: Vấn đề như vậy không phải là chỉ liên quan đến việc vận chuyển, mà còn là phân luồng và điều chỉnh các kênh xuyên suốt quá trình gia tăng giá trị và xoá bỏ những giá trị không gia tăng. Hậu cần trong quá trình sản xuất được áp dụng cho cả những nhà máy đang tồn tại hoặc mới được thành lập. Sản xuất chế tạo là một nhà máy với quá trình thay đổi ổn định (có thể hiểu là một nhà máy thì luôn phải hoạt động nhưng với một công suất ổn định). Máy móc được thay đổi và thay mới. Theo đó sẽ là cơ hội cải thiện hệ thống hậu cần trong sản xuất. Ngược lại, hậu cần sẽ cung cấp các "phương tiện" cho việc đạt được hiệu quả mong muốn của khách hàng và hiệu quả sử dụng vốn.